Tàn dư bão Manyi kết hợp không khí lạnh có thể gây mưa lớn ở miền Trung

bởi

trong

Là một trong những siêu bão mạnh nhất trên thế giới năm nay, bão Manyi (bão số 9) có tốc độ tăng cấp rất nhanh, di chuyển thần tốc và sức phá hủy kinh hoàng. Thế nhưng dự báo khi vào Biển Đông, bão nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ, ít khả năng đổ bộ đất liền nước ta.

Vào 13 giờ chiều nay (18/11), tâm bão trên vùng biển phía đông của khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 550km về phía đông đông bắc với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/h), giật cấp 14. Những giờ qua, bão di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.

Dự báo trong 24 giờ tới (tính từ 13h ngày 18/11), bão số Manyi di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và tiếp tục suy yếu.

Đến 13h ngày 19/11, tâm bão trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 240km về phía bắc đông bắc. Cường độ suy giảm xuống cấp 9-10, giật cấp 12.

Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão đổi hướng tây tây nam, di chuyển chậm lại, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Dự báo đường đi của bão Manyi.

Đến 13 giờ chiều 20/11, tâm áp thấp nhiệt đới ở phía tây của khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía tây tây bắc.

Trong 48-72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục đổi hướng tây nam, tiến về vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ, tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp.

Đến 13 giờ ngày 21/11, tâm vùng áp thấp trên vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ với cường độ giảm xuống dưới cấp 6.

Các chuyên gia lý giải, hai nguyên nhân chính khiến siêu bão này nhanh chóng bị suy yếu dù khi áp sát đảo Luzon, bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17. Một là sự ma sát với địa hình đảo Luzon của Philippines đã khiến bão giảm hai cấp khi vào Biển Đông. Thời điểm vào Biển Đông đêm qua, bão mạnh cấp 14, giật cấp 16. Hai là, khi hoạt động trên Biển Đông, bão Manyi đi qua một vùng biển khá lạnh, lại chịu sự tương tác của khối không khí lạnh khô từ phương bắc nên nhanh chóng suy yếu và tan dần.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, tàn dư từ bão Manyi kết hợp với không khí lạnh tăng cường có thể gây ra một đợt mưa lớn kéo dài cho các tỉnh miền Trung trong khoảng thời gian từ 21-25/11.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão Manyi, khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-11, giật cấp 14, sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 5-7m, biển động dữ dội. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tan-du-bao-manyi-ket-hop-khong-khi-lanh-co-the-gay-mua-lon-o-mien-trung-post1692602.tpo


Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: