Thế hệ 6x, 7x chỉ cần nhìn qua có thể đoán ra ngay đây là loại quả gì.
Xưa kia, khi hầu hết các gia đình đều không mấy dư dả thì trái cây dại cũng được coi là món ăn vặt thơm ngon. Thậm chí, một số loại trái cây có vị không ngon lắm cũng vẫn là món khoái khẩu của nhiều người.
Chẳng hạn như quả chùm ruột núi (me rừng), loại quả này có vị chua và chát không dễ ăn. Có người ăn lần đầu còn phải nhả ra vì hương vị quá lạ, không ngọt như nhiều loại quả dại khác.
Thực chất, loại quả này lúc mới ăn sẽ có vị đắng và hơi chát, nhưng nếu ăn thêm vài miếng sẽ có hậu vị ngọt nhẹ.
Tại Việt Nam, bạn có thể bắt gặp cây chùm ruột núi mọc hoang ở nhiều nơi. Đây là loại cây ưa sáng, chịu được hạn nên dễ phát triển ở các vùng như bãi hoang, đồi, rừng thưa. Ngoài Việt Nam, cây còn xuất hiện ở một số nước như Ấn Độ, Trung Quốc…
Riêng tại Trung Quốc, loại quả “khó ăn” này thậm chí còn trở thành một nguyên liệu quen thuộc trong một món trà sữa nổi tiếng tại nước này. Chỉ trong một thời gian ngắn, loại quả dại này đã trở nên “hot” khắp mạng xã hội xứ Trung. Thậm chí, người ta còn ưu ái gọi nó là “vua trái cây”.
Danh hiệu này nghe có vẻ cường điệu nhưng thực tế rất xứng đáng. Rễ, lá, quả, vỏ thân của chùm ruột đều có thể sử dụng làm nguyên liệu chữa bệnh. Đặc biệt, vỏ thân còn dùng để điều chế tanin trong công nghiệp.
Trong y học cổ truyền, quả chùm ruột núi có vị chua, ngọt, đắng, tính mát, có tác dụng bổ phế, tiêu đờm, chống viêm, chống oxy hóa (nhờ hàm lượng vitamin C cao). Đồng thời, trong quả chùm ruột núi còn rất giàu vitamin B, vitamin P, cũng như nhiều axit trái cây, tanin, canxi, phốt pho, kali và 17 loại axit amin. Đặc biệt, hàm lượng vitamin C trong quả chùm ruột núi cao gấp 5 lần so với kiwi – loại quả vốn được mệnh danh là vua vitamin C và cao gấp 100 lần so với táo.
Tại Ấn Độ, loại quả này được dùng để chữa tiêu chảy nhờ hàm lượng tanin cao. Bên cạnh đó, rễ của chùm ruột núi cũng có giá trị dược liệu, nó có vị đắng, chát, tính mát, có tác dụng hỗ trợ hạ huyết áp.
Ở Trung Quốc – nơi chùm ruột núi đang “xưng vương” hiện tại, giá của loại quả này đã vụt tăng từ 10 NDT (34.000đ)/kg lên đến 50 NDT (170.000đ)/kg. Năm 2022, loại quả này cũng có giá đắt đỏ tại Việt Nam – từ 100.000đ đến 500.000đ/kg. Nhiều năm trở lại đây, quả dại này “xuống phố”, được chế biến thành các món ăn vặt như ô mai, mứt, ngâm đường hoặc nghiền thành bột uống giải khát hoặc làm gia vị.
Hương Nguyễn (Theo baijiahao)
Để lại một bình luận