Sáng nay (10/11), thị trường vàng trong nước kết thúc một tuần giảm mạnh chưa từng có. Giá vàng SJC, vàng nhẫn đều quay về quanh mốc 85 triệu đồng/lượng.
1 tuần biến động mạnh
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn như Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, Bảo Tín Minh Châu, Doji… niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 85,8 triệu đồng/lượng bán ra.
Lượng mua vào vàng miếng SJC của các doanh nghiệp chênh nhau từ 200.000 – 500.000 đồng/lượng.
Sau 1 tuần, giá vàng miếng giảm 3,8 triệu đồng/lượng. Các doanh nghiệp nới chênh lệch mua vào – bán ra của các doanh nghiệp điều chỉnh sau 1 tuần từ mức 2 triệu đồng/lượng lên gần 4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn cũng giảm mạnh chưa từng có sau 1 tuần gần 4 triệu đồng/lượng về mốc 85 triệu đồng/lượng.
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn 83,32 – 85,12 triệu đồng/lượng; Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng nhẫn 83,35 – 85,15 triệu đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng trong nước có 1 tuần giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 5 đến nay.
Sáng nay, giá vàng thế giới niêm yết 2.684 USD/ounce. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất kể tháng 5. Giá vàng thế giới giảm kéo theo giá vàng trong nước nhưng mức độ giảm trong nước mạnh hơn.
Dự báo giá vàng
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế – cho biết, khi tình hình kinh tế chính trị trên thế giới biến động thì đa số họ lựa chọn vàng là kênh đầu tư trú ẩn an toàn cho tài sản của mình. Lúc này, khi ông Trump lên nắm quyền, nhà đầu tư sẽ có những lĩnh vực đầu tư khác tốt hơn như chứng khoán, bất động sản… Đó chính là lý do khiến giá vàng thế giới giảm mạnh trong những ngày qua.
Giá vàng miếng SJC giảm mạnh gần 4 triệu đồng/lượng sau 1 tuần (ảnh: Như Ý).
Theo ông Hiếu, tại Việt Nam, giá vàng chịu tác động hoàn toàn của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, dù giá vàng xuống thấp nhưng cán cân cung – cầu của thị trường vàng vẫn còn lệch pha. Thị trường vàng vẫn xảy ra hiện tượng vàng nhẫn và vàng miếng đều khan hiếm. Tại các tiệm vàng, các cửa hàng đều thông báo hết hoặc chỉ được mua với lượng nhỏ giọt.
“Lý do chính là do nguồn cung không có. Theo Nghị định 24, hiện tại Ngân hàng Nhà nước vẫn là nơi duy nhất nhập khẩu vàng và mấy năm gần đây, đơn vị này cũng không nhập khẩu vàng nữa nên nguồn vàng để cung cấp cho thị trường không có. Đặc biệt, các hoạt động buôn lậu vàng cũng bị kiểm soát chặt chẽ…”, ông Hiếu cho hay và nói đa phần các nhà đầu tư vẫn đang có suy nghĩ giá vàng chỉ giảm tạm thời và sẽ bật tăng trở lại.
“Tôi cũng cho rằng điều đó có thể xảy ra. Sở dĩ vậy bởi hiện tại chúng ta chưa thể biết giá vàng trong nước sẽ đi về đâu. Chỉ khi nào cán cân cung – cầu gặp nhau, khi đó giá vàng thị trường mới có thể gọi là ổn định”, ông Hiếu nhận định.
Ông Hiếu dự đoán, câu chuyện bầu cử đã ngã ngũ trong khi tình hình thế giới hiện vẫn có nhiều điểm nóng, trong đó có những vấn đề về chiến tranh, địa chính trị… sẽ tiếp tục là nguyên nhân khiến giá vàng có thể biến động khó lường trong thời gian tới. Ví dụ, nếu chiến tranh xảy ra thì vàng sẽ trở lại là sự quan tâm của các nhà đầu tư. Điều này sẽ càng rõ ràng hơn khi ít ngày nữa – thời điểm ông Trump phát biểu về việc chính thức chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine hay không…
“Tôi cho rằng, về lâu dài, giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong năm 2025 và khả năng lập kỷ lục lên mốc 3.000 USD/ounce. Lúc đó, giá vàng trong nước sẽ tăng mạnh nếu thị trường vẫn chưa có sự thay đổi về nguồn cung”, ông Hiếu cho hay.
Trên thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm 24.278 đồng/USD, tăng 8 đồng/USD so với sáng qua.
Các ngân hàng thương mại niêm yết giá USD 25.167 – 25.497 đồng/USD mua vào – bán ra.
Để lại một bình luận