Để dành 5 triệu đồng/tháng cho con đến năm 20 tuổi: Nên mua vàng hay gửi tiết kiệm?

bởi

trong

‘Tôi đã lên kế hoạch tiết kiệm cho con từ lúc sinh con ra, mỗi tháng nhất quyết bỏ ra 5 triệu đồng cất đi để sau này con có chỗ dựa kinh tế, học hành rồi nhà cửa. Với số tiền này, tôi nên gửi tiết kiệm ở ngân hàng hay đi mua vàng?’.

Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Anh trên cộng đồng chia sẻ kiến thức quản lý chi tiêu nhận được nhiều sự chú ý nhất những ngày gần đây.

Thu nhập 7,8 triệu vẫn tiết kiệm 5 triệu đồng cho con

Theo chị Nguyễn Anh, chị có thu nhập chỉ 7,8 triệu đồng/tháng và đã có gia đình. Chị đã lập kế hoạch với 3 sổ tiết kiệm cho con.

Sổ tiết kiệm thứ nhất, mỗi tháng chị sẽ bỏ vào 5 triệu đồng. Như vậy, 1 năm chị có 60 triệu đồng tiết kiệm cho con và 20 năm sau số tiền này sẽ là 1,2 tỷ đồng.

Sổ tiết kiệm thứ 2 là sổ được cho, chị sẽ để mua vàng. “Tiền này tính từ tiền sinh nhật, đầy tháng, lì xì Tết hay tiền nội ngoại cho con trong 18 năm. Khoản này mặc định cứ ai cho con là mẹ cho vào sổ. Nếu đủ tiền mua 1 chỉ vàng mẹ sẽ rút ra mua 1 chỉ vàng cất đi cho con. Một năm không đủ thì 2-3 năm mua 1 chỉ cũng được cho tới khi con đủ 18 tuổi. Sau này khi con cưới mẹ sẽ trao lại toàn bộ số vàng này cho con”, chị Nguyễn Anh phân tích.

Ngoài ra, mỗi tháng chị sẽ xin chồng 1 triệu đồng để làm sổ tiết kiệm thứ 3 để lấy tiền cho con đi học đại học sau này, duy trì suốt 18 năm.

Không những chia sẻ kế hoạch chi tiêu hết sức cụ thể, chị Nguyễn Anh còn khiến nhiều người bất ngờ khi cũng “bày” cho mọi người cách tiết kiệm của bản thân mình với số tiền chỉ 7,8 triệu đồng/tháng vẫn chi tiêu đủ và để ra được 5 triệu đồng cho con.

Nhiều người bất ngờ khi với thu nhập chỉ 7,8 triệu đồng/tháng mà chị Nguyễn Anh vẫn tiết kiệm được 5 triệu đồng cho con. (Ảnh minh họa).

“Từ khi con 1-4 tháng, mình cho con dùng tã vải loại giặt được. Bỉm mình chỉ dùng cho con khi đi chơi xa hoặc khi con ốm, còn lại rèn cho con vệ sinh vào bô từ khi con 8 tháng hoặc sẽ lấy vỏ chai sạch cho con đi vệ sinh vào đó. Con vừa thích thú lại rất tự giác”, chị Nguyễn Anh nói.

Đặc biệt, quần áo cho con thì quần sẽ mua mới 100% còn áo chị đi xin đến khi con học hết lớp 6 vì nhỏ mua sẽ rất lãng phí. Sau này sẽ lấy tiền lãi gửi ngân hàng để mua quần áo cho con khi con lớn.

Về ăn uống, chị sẽ tìm nhà ai cùng cơ quan hoặc anh em có rau sạch để đi xin là nhiều, cơm thừa ở công ty sẽ xin về nuôi gà để lấy trứng và thịt làm thức ăn. Đi ăn cỗ chị cũng sẽ xin phần về để tiết kiệm chi phí ăn uống.

Trong sinh hoạt, chị sẽ tắt điện nếu không dùng đến, giặt quần áo bằng tay, chỉ dùng máy giặt khi nhà có công việc hoặc người thân ốm để tiết kiệm điện.

Tiền tiết kiệm cho con nên gửi ngân hàng hay mua vàng?

Về khoản tiết kiệm tiền mặt và gửi ngân hàng, chị Nguyễn Anh không biết có hợp lý hay không và cần sự tư vấn của mọi người. Ngay lập tức, bài viết của chị đã nhận được hàng nghìn lượt bình luận, chia sẻ của cộng đồng.

Nhiều người cho rằng với số tiền đó thì nên đi mua vàng hàng tháng, cũng không ít người nêu quan điểm nên gửi tiết kiệm cho con. (Ảnh minh họa).

Trong đó, tài khoản Nguyễn Thị Thanh Hiền cho rằng, nếu tiết kiệm kỷ luật mỗi tháng 5 triệu đồng và gửi tiết kiệm, hưởng lãi suất kép với lãi suất 6%/năm thì số tiền chị Nguyễn Anh có được sau 20 năm lên tới hơn 2,3 tỷ đồng.

“Nếu gửi tiết kiệm thì mình khuyên nên lập 1 tài khoản online, cứ gửi 5 triệu đồng tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng. Đến tháng sau thêm 5 triệu đồng và gốc, lãi tháng trước, đủ 12 tháng thì chuyển sang gửi kỳ hạn 1 năm. Năm tới cũng làm như vậy, cuối năm lấy tiền của năm nay với tiền của năm trước gửi dồn thành một cục mới thì sẽ tối ưu hóa tiền lãi gửi tiết kiệm”, tài khoản Lê Vũ Trọng Nghĩa cho hay.

Tuy nhiên, phần lớn ý kiến lại cho rằng, nếu tiết kiệm số tiền như vậy mỗi tháng thì nên đi mua vàng hơn là gửi tiết kiệm vì đồng tiền mất giá còn vàng lại tăng giá theo thời gian.

“Tiết kiệm 5 triệu đồng/tháng thì nên mua hẳn 5 phân vàng/tháng, một năm có 6 chỉ vàng, 10 năm có 6 cây vàng, 20 năm có 20 cây chứ 1,2 tỷ đồng đến 20 năm nữa không biết có mua được 10 cây vàng không. Ngoài ra, số tiền này cũng không thấm vào đâu so với giá nhà và giá đất như hiện nay”, tài khoản Thương Châu cho hay.

Đồng quan điểm, tài khoản Nguyễn Minh Thảo cho rằng không nên giữ tiền mà lấy số tiền đó đi mua vàng, không cần quan tâm giá vàng lên hay xuống, cứ đúng ngày đúng tháng thì mua. Khi gom đủ một số tiền lớn thì đổi ra mua bất động sản.

Với số tiền 5 triệu đồng/tháng có thể mua được hơn nửa chỉ vàng thời điểm này.

Ngược lại, chị Thanh Thủy lại cho rằng, sau khi tiết kiệm được “ra tấm ra món” sẽ mang đi mua đất vì tiền mặt mất giá.

“Nếu là mình, mình sẽ góp đến năm thứ 2, tầm hơn 100 triệu sẽ tìm mua một lô đất rồi 2 năm sau sẽ bán, kèm với số tiền tiết kiệm trong 2 năm để mua lô lớn hơn. Cứ như vậy cho đến khi con lớn. Mình đã bắt đầu áp dụng cách này từ 4 năm trước với lô đầu tiên có giá 60 triệu đồng. Sau 2 năm mình bán 190 triệu đồng và mua lô lớn hơn một chút với giá 250 triệu đồng”, chị Thanh Thủy phân tích.

Chuyên gia nói gì?

Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Kinh tế cho rằng, với số tiền tiết kiệm 5 triệu đồng một tháng trong suốt 20 năm thì phương án tối ưu và an toàn nhất là gửi tiết kiệm ngân hàng.

“Tiền gửi ngân hàng với lãi suất tối thiểu là 5% và lãi kép trong vòng 20 năm, “ăn chắc mặc bền” thì tiết kiệm là tốt nhất. Mình cứ gửi tiền vào là tài sản của mình tích lũy lên, ngân hàng họ lưu giữ tài sản hộ mình và sinh lời cho mình, không cần quan tâm thị trường lên xuống. Đây là phương án nhẹ nhàng nhất, bảo đảm nhất và chắc chắn số tiền gửi 5 triệu đồng/tháng trong suốt 20 năm sẽ đạt được mục tiêu của người gửi”, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Ưu tiên số 1 theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu là gửi tiết kiệm, ưu tiên thứ 2 là mua vàng. (Ảnh minh họa).

Ngoài ra, ưu tiên thứ 2 TS. Nguyễn Trí Hiếu đề cập tới khi có số tiền tiết kiệm 5 triệu đồng/tháng là mua vàng nhưng tuyệt đối không được “động” đến số vàng đó dù giá lên hay xuống.

“Nếu trữ vàng và không đụng đến vàng thì về lâu về dài, rủi ro về vàng rất thấp. Tuy nhiên, nếu chân trong chân ngoài, lúc xuống thì bán đổ bán tháo, lúc lên thì lại đổ xô đi mua thì rủi ro rất lớn. Giảm thiểu rủi ro bằng cách mua vàng hàng tháng và để im trong vòng 20 năm thì có thể đây cũng là phương án tối ưu”, ông Hiếu nhận định.


Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: