Khi vị chủ tọa tại phiên phúc thẩm đặt câu hỏi bị cáo có thêm tình tiết giảm nhẹ nào mới không, bà Trương Mỹ Lan cho biết có 2.000 người làm đơn xin giảm nhẹ cho mình.
Theo kế hoạch, hôm nay (12/11), phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm bước vào phần tranh luận.
Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng qua thẩm vấn công khai tại phiên tòa thấy cần phải làm rõ một số vấn đề, nên đề nghị quay lại phần xét hỏi. Sau khi hội ý, HĐXX đồng ý với đề nghị của đại diện VKS.
Trả lời câu hỏi của đại diện VKS về phương án thực hiện việc trả lại toàn bộ thiệt hại (hơn 673.000 tỷ đồng) cho Ngân hàng SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan khẳng định vẫn cam kết trả lại tiền cho ngân hàng này.
Về nguồn tiền, bị cáo Lan cho biết lấy từ những người thiếu nợ đã trả (21.000 tỷ đồng), 5.000 tỷ đồng được chuyển vào Ngân hàng SCB để tăng vốn điều lệ và 658 mã tài sản hiện không thế chấp khoản vay nào.
Bị cáo Lan cũng đề nghị HĐXX yêu cầu Ngân hàng SCB trả lại dự án 6A (Bình Chánh) để bà đem đi khắc phục hậu quả.
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: TC
Tại tòa, đại diện Ngân hàng SCB thừa nhận dự án 6A hiện không dùng để đảm bảo cho khoản vay nào của bị cáo Trương Mỹ Lan hay nhóm Vạn Thịnh Phát. Về 5.000 tỷ đồng mà bị cáo Lan nộp để tăng vốn điều lệ, đại diện Ngân hàng SCB cho biết sẽ trả lời HĐXX bằng văn bản.
Về nguồn gốc dự án 6A, trả lời HĐXX, bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết dự án này rộng 26ha, thuộc của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát từ hơn mười năm trước và đã thực hiện đền bù gần hết, chỉ còn lại 3-4% chưa đền bù xong.
“Bị cáo không muốn cắt ra để bán vì khu Trung Sơn này rất đẹp, về mặt pháp lý làm cũng gần xong rồi. Dự án này có nhiều doanh nghiệp muốn chuyển nhượng với giá 60.000 tỷ đồng nhưng bị cáo không đồng ý. Đến thời điểm bị cáo gần bị bắt, có doanh nghiệp tiếp tục đề nghị chuyển nhượng lại cho họ với giá 40.000 tỷ đồng” – bị cáo Lan cho hay.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: TC
Bị cáo Lan khẳng định dự án 6A hoàn toàn không liên quan gì tới Ngân hàng SCB và đề nghị dùng dự án này nhập vào 658 tài sản dùng để khắc phục hậu quả.
Bên cạnh đó, bị cáo Lan cho biết trong số 658 mã tài sản tự nguyện dùng để khắc phục hậu quả có dự án cảng Sài Gòn và “siêu dự án” Amigo. Theo bị cáo, những tài sản đó nếu được phát triển đúng thời điểm và kịp thời thì sẽ mang về không dưới 200.000 tỷ đồng.
Khi đại diện VKS đặt câu hỏi về 440 mã tài sản (nằm trong 1.121 mã tài sản đang bị kê biên) trên sổ sách có giá trị khoảng 620.000 tỷ đồng nhưng trên thực tế là bao nhiêu, bà Lan trả lời: “Theo kinh nghiệm bị cáo thì được trên 100.000 tỷ đồng”.
Về tình tiết giảm nhẹ mới, ngoài việc có nhiều đóng góp trong việc làm thiện nguyện, bà Lan cho biết gần đây có 2.000 đơn của người xin giảm nhẹ cho mình. Vì vậy, bị cáo Lan mong HĐXX xem xét cho bà được hưởng khoan hồng.
Sau khi kết thúc phần xét hỏi bổ sung, đại diện VKS đề nghị HĐXX tạm dừng phiên tòa để VKS đưa ra kết luận về vụ án. Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa tới ngày 15/11.
Theo Thanh Phương (VietNamNet)
Để lại một bình luận